Nét ngọc Hầm Hô

Được đăng bởi Nghiêng
Hầm Hô hay “rừng đá” được người Bình Định gọi bằng những mỹ từ “bản giao hưởng của non và nước” hay “cửa ngõ thiên đường”.

Tới đây rồi mới thấy, mọi ngôn từ đều bất lực khi miêu tả vẻ đẹp của danh thắng này.

Từ thành phố Quy Nhơn xuôi theo quốc lộ 1 về hướng bắc, gặp quốc lộ 19 rẽ ngang, đi ngược về phía Tây Sơn khoảng hơn 5km nữa là đến Hầm Hô, vùng đất sơn kỳ thủy tú nằm trong lòng con sông Kút, ẩn mình hoang sơ, kỳ bí giữa đại ngàn. Để vào sâu bên trong, sẽ có hai chọn lựa cho du khách là đi bằng đường bộ hay đường thủy. Nếu chọn đường bộ, du khách có thể thong dong trên chuyến xe ngựa xuyên qua con đường một phía tựa sông, một bên gác núi; còn đi đường thủy, khách sẽ có hơn nửa cây số bồng bềnh trên nhánh sông nhỏ trước khi vào Hầm Hô.


Du khách xuôi đò trên nhánh sông nhỏ trước khi vào Hầm Hô

Chúng tôi đã chọn hành trình đường thủy. Những chiếc đò của người dân địa phương lặng lẽ xuôi theo một nhánh sông Kút. Dòng nước trong vắt đưa chúng tôi đi xuyên qua những chùm cây bụi ven bờ lòa xòa, in bóng trên mặt nước. Nhiều cây có dáng bon-sai nằm la đà, thả dây leo quấn quýt thật ấn tượng. Không gian chỉ một màu xanh mát mẻ. Tiếng chim rừng ríu ran, tiếng sào tre rẽ nước đẩy con đò lướt đi nhịp nhàng giữa vùng cây lá gióng giả tiếng ve. Thi thoảng, một con thác nhỏ hay một ghềnh đá thoai thoải bất giác hiện ra, nắng ào ạt tuôn qua những vạt lá non. Cảm giác êm đềm, yên ả của một thiên nhiên nguyên sơ, trong lành bao phủ.



Khi vừa hết chặng đi suối, Hầm Hô mở ra choáng ngợp trước mắt chúng tôi – hệt như hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên. Cảnh quan núi rừng hùng vĩ bao quanh, núi cao ngất phủ xanh những lớp rừng nguyên sinh, mây trắng trôi ngang những mỏm đá muôn hình vạn dáng. Mặt nước phẳng lặng, khi réo rắt luồn uốn theo địa hình hiểm trở. Chúng tôi rời đò, len lách vượt qua con đường độc đạo hiểm trở, có đoạn phải ép sát người mới lọt qua. Những vách đá cheo leo thử thách du khách khi điểm tựa chỉ là những mỏm nhô, gờ bám chênh vênh, cảm giác khá mạo hiểm khi nhìn xuống dưới chân – nơi con suối bắt đầu đổ dốc và cua gấp, tạo nên những ghềnh thác lớn nhỏ. Người dân địa phương đặt cho “phiên khúc” những cảnh quan kỳ thú nơi đây những cái tên nôm na, đầy ấn tượng, như hòn Trào, hòn Vò Rượu, Đá Dựng, thác Cá Bay, Cửa Sanh-Cửa Tử, Vực Sặc, Đỉnh Sương Mù, Hòn Bà, Đá Cháy…


Hầm Hô đẹp bởi cảnh quan núi rừng hùng vĩ


Hầm Hô như hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên

Ngược về phía thượng nguồn, độ dốc của địa hình càng lớn, suối đổ ầm ào, dữ dội. Vào mùa lũ, Hầm Hô nhận nước từ Đá Hàng, tuôn đổ xuống các hang vực sâu, tung bọt trắng xóa. Trong mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi nắng ban mai rọi xuống, từng khối đá hoa cương ánh lên muôn màu, lóng lánh trên làn nước biếc. Leo qua Hòn Đá Thành, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn một đoạn Hầm Hô từ trên cao, để cảm nhận rõ vẻ hoành tráng của thiên nhiên.

Trước kia, Hầm Hô là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nghĩa binh Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng và cũng là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng ở địa bàn tây nam huyện Tây Sơn những năm chống Mỹ cứu nước. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ ảo của thiên nhiên mà còn có dịp ôn lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử.

Giữa Hầm Hô, thả hồn với xanh trời, xanh núi, xanh suối, xanh cây, những ngày hè oi ả của miền Trung trở nên thư thái, yên ả.

Phương Anh
Theo : PNO

0 Nhận xét cho "Nét ngọc Hầm Hô"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))