Có thể, vì ta có chung nhiều thứ, cùng lớn lên thời bao cấp khó khăn, cùng sống những năm tháng du học sinh khi còn trẻ, cùng lăn lộn với thời kinh tế thị trường, lại bằng tuổi nên dễ hiểu nhau. Nhưng đôi lúc, vợ chồng “bằng vai phải lứa” quá cũng làm anh thấy khó chịu. Anh không thích mỗi lần tranh luận, em buông câu: “Cho anh thắng”. Em đâu biết, anh tranh luận không phải để tranh phần thua thắng với em mà chỉ bảo vệ quan điểm của mình.
“Cho anh thắng!”, anh biết không phải khi đó em công nhận anh, mà nhận ra trong giọng nói, thái độ của em có cả thách thức, không thèm chấp. Lúc đó, anh có cảm giác bị coi thường và ấm ức. Nhưng, anh có cố thanh minh hay giải thích thêm cũng vô ích, bởi em sẽ phẩy tay, quay mặt đi. Anh thấy mình bị xúc phạm.
Anh không nhớ chúng ta bắt đầu từ đâu, vấn đề gì mà tranh luận. Đôi lúc có thể từ một lý do lãng xẹt, hoặc từ quan điểm về một việc hoàn toàn không liên quan đến bọn mình. Loanh quanh một vòng rồi anh lại nhận được kết thúc thật khó chịu khi em buông một câu “cho anh thắng”. Phải chăng vì khi yêu em, anh đã nhường em nhiều quá? Phải chăng vì chúng ta là bạn nên em nghĩ có quyền bình đẳng. Vợ vẫn là “em”, chồng vẫn là “anh” mà!
Giá như khi tranh luận, em chịu khó lắng nghe một chút. Và quan trọng, khi kết thúc vấn đề, em chịu khó nhẹ nhàng hơn một chút. Ông bà bảo “cơm sôi bớt lửa” mà em lại đổ thêm dầu vào lửa. Anh thấy buồn, thỉnh thoảng cảm thấy không được em cảm thông tôn trọng, dù anh không phải là người bảo thủ và nóng nảy. Anh vẫn nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và em biết đó, anh vẫn sẵn sàng xin lỗi em nếu anh sai.
Đàn ông ít khi chấp nhận thua hay công nhận người khác đúng ngay. Phải được suy nghĩ, tranh luận, lật qua lật lại vấn đề, thậm chí phải trải nghiệm. Anh vẫn biết vợ chồng cần trao đổi, chia sẻ, thậm chí tranh luận mọi vấn đề để hiểu nhau hơn. Phải công nhận, em là một người phụ nữ thông minh và hiểu biết, mình có thể bổ sung cho nhau rất nhiều. Anh vẫn luôn muốn được cùng em chia sẻ. Chỉ có điều, cách kết thúc cuộc tranh luận của em sao nặng nề và... thua đủ quá. Anh không thấy vui mỗi khi được em cho phần thắng về mình; chỉ thấy hụt hẫng, ấm ức.
Cảm giác khó chịu đó tuy không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng mình nhưng nếu điều chỉnh sớm, có lẽ em sẽ giúp chúng ta sống vui vẻ hơn. Anh muốn trong mỗi lần tranh luận, cả hai ta cùng thắng, bởi tận cùng đó chính là gia vị cho “thực đơn” gia đình ngày mỗi đậm đà, nồng nàn...
Theo V.Minh
PNO
PNO
ui, chuyện này nan giải nhỉ?nếu hai vợ chồng tiếp tục tranh luận thì có trở thành cãi vã không nhỉ. Vợ không nhường thì có bị chồng bảo là không nghe lời hay bướng không nhỉ?