Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn có tên chữ là Thiên tư phúc tự ( Chùa được trời ban phúc ) toạ lạc dưới chân núi Côn, còn gọi là núi Hun hay núi Kỳ Lân. Núi có hình con Kỳ Lân lớn quay đầu về hướng đông bắc để canh giữ an lành cho cả một vùng trời đất bao la. Côn Sơn vốn là nơi tôn quý của đất trời, có địa linh nhân kiệt, vừa là một trong ba chốn Tổ thiền phái Trúc Lâm của cả nước, vừa là nơi hội tụ các danh nhân, trí sĩ đã đi vào lịch sử. Trãi qua các thời đại, Chùa Côn Sơn luôn là " Quốc tự ", là một trong những trung tâm phật giáo lớn nhất của đất nước. Đó là nơi ba tôn giáo: Phật - Nho - Lão đồng quy về một mục đích: củng cố nền tự chủ và độc lập dân tộc, nhằm quy tụ nhân tâm trong xã hội, củng cố sự thịnh trị của đất nước. Trước cửa chùa Côn Sơn có hai cây đại cổ hơn 600 năm, thân gồ ghề, lá xanh đen, hoa vàng thơm ngát làm tăng vẽ đẹp và tôn nghiêm của chùa. Cạnh cây đại cổ phía tây có tấm bia hình lục lăng - nơi Bác Hồ đã đọc bia khi Người về thăm Côn Sơn ngày15/02/1965. Tương truyền: hai cây đại cổ do chính tay Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán ( Ông ngoại Nguyễn Trãi ) trồng khi Người cáo quan về ở Côn Sơn, đồng thời đưa Nguyễn Trãi ( lúc còn nhỏ ) về ở cùng. Rồi cả những ngày cuối đời Nguyễn Trãi về mở trường dạy học tại đây. Hai con người: một ông, một cháu tuy ở hai lứa tuổi, hai thời đại nhưng đều có chung một sở thích, rất giống nhau ở chỗ cùng lo việc lớn...
Rời chùa Côn Sơn mời bạn đến viếng đền thờ Nguyễn Trãi nằm ven dòng suối Côn Sơn, được xây mới hoàn toàn với kiến trúc đẹp, gồm cầu đá, cổng đá, tam quan, điện thờ... Phía trong có pho tượng Nguyễn Trãi đúc đồng. Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng năm 2002 nhân kỷ niệm 600 năm ngày mất của Ông trên một khuôn viên gần 10.000 m2 tại chân núi Ngũ Nhạc, gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Người. Ngôi đền biểu hiện sinh động lòng biết ơn, sự trân trọng mà toàn dân tộc giành cho Nguyễn Trãi và còn " Rửa nỗi hận ngàn thu cho Nguyễn Trãi " ( Phạm Văn Đồng ). Đền thờ Nguyễn Trãi tôn thêm vẽ đẹp, nâng cao tầm vóc khu di tích Côn Sơn - nơi được Bộ Văn hoá xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng năm 1994. Phía trên đền thờ Nguyễn Trãi là đền thờ Trần Nguyên Hãn - đại công thần nhà Lê và là cậu ruột Nguyễn Trãi. Nằm phía trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Hãn là đền thờ Trần Nguyên Đán.Các đền này đều rất đẹp, uy nghiêm và hợp thành một quần thể mới hoàn toàn, hoà hợp với quần thể chùa Côn Sơn. Đến những ngôi đền trên phải vượt qua hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua những đồi thông rì rào lọc nắng, lộng gió. Nơi đây trập trùng đồi cây, mênh mông sông nước Lục Đầu Giang, ngữa mặt lên thăm thẳm trời xanh, bạn sẽ thấy khoáng đạt tầm mắt, mở mang tâm hồn, cảm nhận được thanh khí thiên nhiên...Xa xa về phía đông bắc chừng 5 km len lỏi qua thung lũng xanh tươi là đền Kiếp Bạc - một di tích lịch sử nổi tiếng - nơi lưu giữ nhiều vật tích quý báu cùng biết bao truyền thuyết ly kỳ về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Thật hiếm có nơi nào trên đất Việt Nam có một di tích vừa chung đúc và hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn. Mời bạn đến thăm Côn Sơn, nơi tri ân của nhiều thế hệ với các bậc tiền nhân có công đức lớn lao với đất nước, là địa danh linh thiêng trong tâm thức của du khách và để hiểu thêm về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Tấm bia hình lục lăng bên cây đại cổ, nơi Bác Hồ đọc bia khi về thăm Côn Sơn năm 1965
Đền thờ Nguyễn Trãi ( 6 ảnh trên )
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Đền thờ Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi( nhìn từ đền thờ Trần Nguyên Đán xuống )
Theo : nguyenxuantu.vnweblogs.com
hôm nọ đi Côn Sơn sao không cảm nhận được hết vẻ đẹp của chốn rừng thiêng Côn Sơn như nhìn ngắm những tấm ảnh???? chỉ thấy những bậc đá cheo leo làm cho du khách chồn chân mỏi gối, chỉ thấy một dòng suối Ngọc không làm cho du khách cảm nhận hết được vẻ đẹp thể hiện ngay trong chính tên gọi, chỉ thấy sự hoang dại của rừng núi, những gạch vữa nhân tạo và phù phiếm đã chôn vùi những gì chỉ còn là "vang bóng" của cảnh cũ người xưa
"Côn Sơn suối chảy rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai." Câu thơ lục bát về vẻ đẹp tiềm ẩn của suối rừng Côn Sơn thôi thúc tôi lên đường tìm về với non nước thanh bạch của cụ Ngyễn trong một buổi trưa mùa thu tiết trời không dịu mát. Tôi không khỏi bị cuốn hút bởi khuôn viên rộng rãi, rợp xanh bóng cây. Tôi hăm hở lần theo những bậc đá để khám phá những dấu tích lịch sử mà đời sống ẩn dật của "ngôi sao khuê nước Nam" để lại cho ngàn đời sau. Dòng suối Ngọc vẫn rì rầm chảy từ ngàn xưa như đang ngân lên khúc nhạc thời gian sâu lắng. Đền thờ Nguyễn Trãi uy nghi, thanh thoát, hiện ra giữa không gian khoáng đạt mà thanh cao, giữa khung trời bình yên hiếm hoi của chốn phồn hoa đục ngầu bụi của sự hiện đại. Những bậc đá và rừng cây hoang dại như sự thử thách với những con người đang sung sức trên con đường hướng về cội nguồn, hướng về những khoảnh khắc lắng đọng ít ỏi giúp con người thoát ra khỏi cuộc sống bộn bề của những bon chen đời thường