Tại sao du khách Việt bị từ chối?

Được đăng bởi Độc hành
Thật bất ngờ khi đầu tháng 8 này, đến Cái Bè – Tiền Giang gặp chủ nhân nhà cổ Út Kiệt và nhà cổ Ba Đức đều nghe nói: “Rất tiếc phải từ chối tiếp khách Việt Nam”. Sốc thật!

Những ngôi nhà được giữ gìn cả trăm năm bên cạnh những vườn hoa thơm trái ngọt và vùng sông nước thanh bình là nét đặc trưng hấp dẫn du khách đến làng Đông Hoà Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Song, thật lạ khi chúng tôi hỏi đặt tour tham quan chợ nổi – vườn trái cây – nhà cổ, các điểm nhận khách đặt tại bến tàu du lịch Cái Bè đều né tránh việc đưa chúng tôi đến những ngôi nhà cổ nổi tiếng.

Tìm đến làng Đông Hoà Hiệp, khi dừng trước nhà cổ Ba Đức, tôi nói muốn tham quan nhà để sắp tới tổ chức cho một đoàn khách du lịch. Ông Phan Văn Đức , chủ nhân
Du khách nước ngoài tại nhà cổ Ba Đức. Ảnh: TL internet
ngôi nhà cổ, thẳng thắn: “Khách nước ngoài xin nhận, còn khách Việt Nam chắc phải coi lại, nếu là đoàn công ty đàng hoàng có thể nhận, xin lỗi không nhận khách Việt Nam đi lẻ”. Hỏi mới biết, trước đây, khách trong nước hay nước ngoài đều được đón tiếp như nhau, nhưng nhiều bận, ông Đức nhận thấy ngày nào tiếp khách Việt Nam thì y như rằng cây trong vườn trở nên xơ xác, dưới đất trái non và rác xả đầy. Khách Việt Nam thường đòi ăn rùa, rắn (không quan tâm việc bảo vệ môi trường và sinh vật tự nhiên), khi ăn là “rượu vào, lời ra”, la lối om sòm. Khi du khách Việt ăn xong thì trên bàn, dưới bàn bừa bãi rác. Dù không tiếc công dọn dẹp, nhưng chủ nhà ngại nhất là khách nước ngoài trông thấy cảnh đó thì... sợ, bỏ đi chỗ khác.

Bà Lê Thị Chính, quản lý nhà cổ Út Kiệt – ngôi nhà được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “đại mỹ gia” ở Việt Nam – cũng cho biết lý do không đón khách Việt Nam tự tới vì: “Phục vụ khách Việt Nam cực lắm, ăn uống bừa bộn, đòi hỏi nhiều, chạy bàn bở hơi”. Khách nước ngoài thường chọn món đặt trước, không để chủ nhà phải bối rối vì sự tuỳ hứng. Trên bàn ăn của họ lúc nào cũng gọn ghẽ, lỡ có làm rơi vãi thức ăn hay nước uống, họ đều xin lỗi.

Tiếp xúc với các hướng dẫn viên, tôi nghe thêm những ý kiến: khách nước ngoài chú ý kỹ từng chi tiết trong ngôi nhà cổ khiến người thuyết minh cũng thấy tự hào, còn du khách Việt Nam chủ yếu chỉ muốn chụp hình, đứng ngồi không kể chi đồ vật quý giá. Thật là xót khi thái độ ứng xử của khách du lịch làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn những ngôi nhà cổ hiếm hoi còn lại của Nam bộ.

Một khi dám chọn lọc khách, các nhà vườn đã xoá dần đi suy nghĩ lâu nay: “Miền Tây xuề xoà, sao cũng được”.


Du khách thưởng thức các món ăn mùa nước nổi ở An Giang

Ông Huỳnh Thanh Hữu, trưởng phòng nghiệp vụ du lịch – sở Văn hoá, thể thao và du lịch Tiền Giang chia sẻ, không thể ép nhà vườn, họ từ chối khách Việt Nam cũng do hướng dẫn viên không lưu ý trước với khách: khi vào những vườn trái cây đón khách kiểu “bao bụng” cũng đừng hái trái non và đừng xả rác. Mặt khác, thái độ cương quyết của chủ các ngôi nhà cổ kể trên sẽ làm cho du khách Việt thay đổi suy nghĩ. Nhà vườn đã nâng cao nhận thức về bảo tồn, khách đi du lịch cũng cần chứng tỏ mình là người có hiểu biết.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt cũng buồn mỗi khi đưa khách Việt Nam du lịch. Thay vì dành những ngày ít ỏi để tìm hiểu về nơi mình đến thì du khách Việt hầu như chỉ thích... nhậu và đi mátxa. Từ đó, nhiều công ty du lịch đã chiều theo khách, làm tour chủ yếu cho xem cảnh, rồi ăn – ngủ – chơi. Hướng dẫn viên trở nên... nhàn, chỉ có khách thích kiểu du lịch như thế bị thiệt thòi mà không hay.

Nguyệt Hồng (SGTT)

0 Nhận xét cho "Tại sao du khách Việt bị từ chối?"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))