Đến sau thời điểm với cái rét nàng Bân 1 ngày, 3/3/2010- Tết Hàn Thực như tô điểm thêm cho nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt!
Là một người yêu và đam mê phong tục lễ hội của đất Việt, mình xin chia sẻ về nguồn gốc cũng như phong tục trong ngày tết Hàn Thực ở Việt Nam:

Nguồn gốc: Chữ "Hàn Thực" gắn với một điển tích ở Trung Quốc:

Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm) ( Theo vi.wikipedia.org)

Còn Tết Hàn Thực trong thời điểm xã hội Việt Nam ngày nay thì sao nhỉ?

Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm
bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân. Và cũng có khi, đó là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau đoàn tụ và thưởng thức món bánh do chính tay mình làm nên.

Bánh trôi

Nguyên liệu: Bột gạo nếp (thêm chút gạo tẻ); đường phên (hoặc đường phèn).

Cách làm: Nhào bột cho dẻo, mịn, viên thành những viên nhỏ đều bằng viên bi. Đường xắt thành những viên nhỏ hạt lựu. Cho đường vào giữa viên bột, vê tròn cho kín.

Đun nước sôi, thả bánh vào, để lửa nhỏ, bánh nổi lên là chín. Vớt bánh ra thả vào nước sôi để nguội (cho khỏi dính) rồi vớt ra đĩa, rắc vừng (mè) đã rang chín lên trên, rắc thêm chút tinh dầu hoa bưởi. Ăn nguội.

(Bánh trôi sau khi đã qua bàn tay chế biến khéo léo )

Bánh chay

Nguyên liệu: Bột gạo nếp (thêm chút gạo tẻ); đậu xanh, hành củ tím, dầu ăn; đường cát trắng (hoặc đường phèn).

Cách làm: Nhào bột cho dẻo, mịn, viên thành những viên bằng quả quít. Làm nhân: đậu xanh ngâm, đãi sạch vỏ, nấu chín, giã nhuyễn; phi hành với dầu cho thơm, trộn đều với đậu xanh, vê nhỏ bằng khoảng 1/3 viên bột, bỏ vào giữa viên bột, vê tròn cho kín rồi nặn bẹt ra. Đun nước sôi già, thả bánh vào luộc, khi bánh nổi lên là chín.

Làm nước: Đun nước đường vừa ngọt, thêm chút bột sắn dây hoặc bột đao cho sánh, cho một chút nước gừng. Cho bánh ra bát, múc nước đường vào, rắc vừng lên trên, có thể thêm ít sợi dừa nạo, rắc tinh dầu hoa bưởi cho thơm. Ăn nóng hoặc nguội.

Bánh trôi bánh chay vừa dễ làm, để không sợ thiu, có vị ngọt mát, nay không chỉ được dùng trong ngày tết mùng 3 tháng 3 mà đã trở thành món ăn chơi quanh năm, nhất là trong những ngày hè nóng nực.

Bánh đẹp quá

Chúc các bạn cùng gia đình có một ngày tết Hàn Thực đầy ý nghĩa và tràn ngập niềm vui!

( Cỏ may)

0 Nhận xét cho "Tết Hàn Thực với : Bánh trôi, bánh chay"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))