>>Xem Slide ảnh Nho Quế tại đây
Tôi rời Đồng Văn khi chợ phiên vẫn còn nhộn nhịp, cánh đàn ông vẫn khề khà bên bàn rượu, và bọn trẻ con vẫn đang say sưa với xôi ngũ sắc và bát thắng cố bốc hơi nghi ngút. Tôi rời Đồng Văn khi mặt trời lên chưa xua tan đi được đám sương mù buổi sớm, lòng vừa run rẩy bởi thứ không khí trong trẻo và mơ hồ buổi sớm mai, vừa phóng khoáng háo hức khi trong tầm mắt những dải núi đá tai mèo điệp trùng lô nhô như bát úp về tận phía cuối trời.
Cao nguyên đá
Con chiến mã đã già nua lọc cọc gầm lên trên đoạn đường đầy đá dăm và ổ gà lởm chởm, vẫn không làm tay ga của người lữ khách nản lòng.
Tôi nhằm hướng Mèo Vạc thẳng tiến. Mèo Vạc là huyện lị bạn bè của địa đầu cực bắc Đồng Văn, nơi mà chỉ riêng cái tên thôi cũng đã khiến người ta thấy chờn lòng vì sự xa xôi và cách trở. Cách Đồng Văn chừng 10km đường, là đèo Mã Pí Lèng danh trấn oai hùng trong những con đèo nổi tiếng trên biên giới.
Con đường mang tên Hạnh Phúc xuyên qua cao nguyên đá tai mèo mang theo trong lòng một câu chuyện dài của quá khứ, nơi ghi dấu những nỗ lực phi thường của nhân dân 6 tỉnh miền núi Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái, những người đã bất chấp điều kiện khắc nghiệt về địa hình và thời tiết của chốn biên cương để chung sức làm nên kỳ tích trên đỉnh địa đầu.
Đỉnh đèo Mã Pí Lèng vẫn còn đó một tấm bia đá giản dị, ghi những lời tri ân với những người đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu trên mảnh đất này.
Một vọng cảnh đài dừng chân cho khách qua đường, nơi không chỉ có người phương xa dừng lại, chính những đồng bào dân tộc Mông, Tày, Dao, Hán… mỗi khi qua đây cũng dừng chân để ngắm nhìn.
Là ở phía xa xa, những dải núi tai mèo trập trùng nhấp nhô như dăng thành, là dòng Nho Quế xanh như một dải lụa mềm thoáng ẩn thoáng hiện giữa những vách đá âm u, cao dựng mây trời. Những hùng vĩ, khoáng đạt của đất trời, và con đường như một nét vẽ kỳ công tạo thành những đường cong nối tiếp nhau trên lưng núi. Có thể nào qua, mà không dừng lại ở nơi này được không?
Tôi dừng lại trên đỉnh Mã Pí Lèng, một tiếng, có thể là hơn. Tôi không biết nữa. Không có quá nhiều xe chạy qua trên con đường Hạnh Phúc, không có nhiều quá những bước chân vội vã, hay tiếng móng ngựa gõ lộp cộp trên mặt đường, nhưng tôi cảm nhận được, rằng con đường huyết mạch ấy có vai trò quan trọng như thế nào với đồng bào ở nơi đây.
Đèo Mã Pí Lèng
Nho Quế nhìn từ Mã Pí Lèng
Khi tôi rời đi, thì nắng đã lên khá cao. Mặt trời chiếu những tia nắng trưa vượt qua cả vách núi cao nhất, sưởi ấm những khoảng lạnh ở bên này sườn đèo. Đồng bào đi chợ Đồng Văn, Mèo Vạc đang trở về nhà nhiều hơn, tiếng xe Win ầm ì lèo dốc rộn rã hơn, những cuốc xe đạp thả đèo vi vu hay leo dốc hối hả, lưng gùi, tay cầm… mỗi khuôn mặt, một vóc dáng, một nụ cười, một ánh mắt khác nhau… nhưng lại chân chất mộc mạc và có điều gì đó man mác buồn…
Một quán rượu ven đường nằm lưng chừng con dốc. Hai người đàn ông, một người đàn bà và 1 đứa trẻ. Một cái bàn, 3 cái ghế gỗ, một can rượu trắng và dăm chiếc bát cũ sứt sẹo. Lạ kỳ thay, có một sức hấp dẫn khiến xe tôi vừa trôi qua thì tiếng thắng xe đã kêu lên rin rít lạnh người. Vòng lại, tôi sà vào quán rượu.
Chiếc ghế nhỏ xíu chỉ đủ cho bọn trẻ con ngồi, hai vị khách, kẻ đang nâng bát, kẻ cầm trên tay chiếc điếu cày. Họ đi chợ về, theo thói quen truyền thống là phải ghé quán rượu ven đường làm vài ngụm và nói những câu chuyện phiếm. Quán giản đơn, người giản dị, cuộc sống quá đỗi nhẹ nhàng.
Một chú bé đi xe đạp thả dốc hơi nhanh đang vội vã dùng chân làm phanh để giảm bớt tốc độ lao vụt qua, thoáng cái đã biến mất sau khúc quanh ở phía cuối con đèo.
Con đường Hạnh Phúc
Từ trên cao, đã thấy con đường đi về phía Săm Pun vời vợi hút hồn người lữ khách. Con đường giống hệt như một dải lụa trắng mắc vào lưng núi xanh, cong cong, mềm mại, gọi mời. Tít đáy vực sâu, dòng sông vẫn đang rầm rì chảy quanh chân núi, mang theo trong lòng hàng ngàn những bí mật không tên.
Ngã ba có đường rẽ đi Săm Pun đông đúc hơn ngày thường. Là bởi có 2 quán rượu di động ngày phiên chợ đang họp bàn sôi nổi. Già trẻ, trai gái, lớn bé đang túm tụm uống rượu và nói chuyện. Những cây khèn đang gác trên lưng gùi, ngủ yên.
Sau bát rượu làm quen và những câu chuyện về phiên chợ, gia đình, cuộc sống, tôi ngỏ ý muốn được nghe một điệu khèn Mông giữa đất trời. Người thanh niên trong bộ quần áo chàm màu xanh sẫm cười hồn nhiên nhấc cây khèn trong gùi ra, hớp rượu rửa khèn, rửa tay, rửa chân cũng bằng rượu trắng trước khi bước ra ngã ba đường bắt đầu khúc nhạc.
Tiếng khèn vi vu da diết với những âm thanh lạ lẫm khe khẽ vang lên giữa không gian trong trẻo và khoáng đạt. Đâu đó quanh bàn rượu ven đường, những tiếng cười và câu chuyện rì rầm vẫn đang vọng vang…
Nụ cười sơn cước
Niềm vui
Tạm biệt người thanh niên với điệu khèn Mông bất ngờ giữa đường, tôi tiếp tục hành trình đi tìm sông Nho Quế. Dọc đường, tôi lại gặp thêm vài ba quán rượu chỉ mở ngày phiên chợ bên đường, bà con tíu tít với gùi, với ngựa, với ô xòe che nắng và váy áo xúng xính, trẻ con hớn hở tươi cười, thấy cuộc sống nơi ấy sao bình yên đến lạ, nhẹ nhõm và dường như quá đỗi vô lo.
Đường vào Săm Pun
Quán rượu bên đường
Đi chợ về
Chờ đợi
Con đường ra Săm Pun và đến với Nho Quế trở nên cộc cằn với những nắm đá hộc to nằm ngổn ngang và những khe núi sạt đất có lẽ cả năm trời nay vẫn vậy. Chiếc xe lao lên, gầm đập vào phiến đá trơn lỳ, tay lái loạng choạng lao từ vách núi ra vách vực rồi lại quặt trở lại… Rất lâu và rất dài, gặp ai đi chợ về tôi cũng hỏi, Nho Quế ở đâu, Săm Pun còn xa không? Người bảo, dài lắm, đi hết một ngày, đường xấu lắm, người lại bảo, dòng sông đang ở rất gần đó thôi…
Một cảm giác hân hoan và mong chờ khi bước chân người lữ khách lang thang đi tìm miền đất mới trào lên trong lòng tôi. Tôi bỗng thấy những ngôi nhà cheo leo trên lưng núi xanh xanh, khuất sau bờ rào đá, những nương ngô xanh men ra đến tận triền sông trở nên thân quen đến lạ, giống như thể, mình đã từng đến, ở lại đây và yêu mến mảnh đất này.
Sau một khúc quanh, sông Nho Quế hiện ra xanh một màu huyền hoặc.
Chiều nhạt nắng, một chiếc cầu treo bắc lơ lửng giữa dòng. Bên kia, con đường đi về cửa khẩu Săm Pun cứ vòng lên cao mãi, vạch những đường cong mềm mại vào lưng núi cứ xa dần xa dần về phía cuối trời.
Nho Quế mùa không mưa, dòng chảy hiền hòa và lặng lẽ. Một người phụ nữ đang bó củi trên bờ đá, hai người đàn ông ngồi câu cá trong im lìm. Bỏ xe lại trên vệ đường, tôi men theo vạt đất để tới với dòng sông trong xanh đang cuốn hút gọi mời kia.
Nho Quế biếc xanh
Chuyện tình trên núi
Nước cạn, để lộ ra trên bờ bên này một vạt đá cuội khá lớn. Tôi cởi áo khoác, găng tay, mũ len, cởi cả đôi giầy để được dẫm chân trần lên những viên đá cuội. Chiều đông hơi lành lạnh, gió và hơi nước bốc lên từ mặt sông khiến hơi thở của tôi trở nên gấp gáp và có gì như hối hả.
Tôi đã từng đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng và ước có một ngày được chạm tay vào dòng nước chảy trên dòng sông Nho Quế. Và cái giờ phút ấy đã đến, trong một chuyến đi quá đỗi bất ngờ. Nước áp vào mặt tôi, lùa vào cổ chân và cổ tay tôi mát lạnh, thậm chí là buốt giá… nhưng có hề gì, khi tôi biết, trái tim kẻ lãng du đã được sưởi ấm bởi tình yêu với dòng sông biếc xanh ở chốn địa đầu…
Nơi ấy, tôi đã tìm thấy em, Nho Quế …
NGUYÊN NGUYÊN
(Theo Tuổi trẻ )
(Theo Tuổi trẻ )
Wikipedia : Sông Nho Quế (phần thượng lưu, ở Trung Quốc gọi là sông Phổ Mai) là một con sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.500 m, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, xẻ qua cao nguyên Đồng Văn, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang để nhập vào sông Gâm tại Na Nát thuộc xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
"nơi ấy tôi đã tìm thấy em - Nho Quế" Bài viết chất chứa tình iu của người không tên! nhẹ nhàng mà cứ thế đi vào lòng người! (^_^)
Anh ấy là NGUYÊN NGUYÊN Miss Cỏ ạ. Lúc đầu máy lỗi nên chưa kịp sửa.