Nằm giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế, vịnh Lăng Cô cùng với đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã và làng chài cổ, đã tạo nên một khung cảnh hài hòa, giao cảm đến tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người.

Lăng Cô vốn là một làng chài thanh bình, yên ả, ẩn mình dưới chân đèo Bắc Hải Vân, cách Huế 60 km về phía Nam, cách TP Đà Nẵng 40km về phía Bắc (đường đèo Hải Vân). Lăng Cô nằm lọt thỏm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn đâm ra biển, giữa đèo Hải Vân và Phú Gia.

Lăng Cô hoang sơ với bãi cát trắng dài thoai thoải, lẫn dần vào làn nước xanh biếc màu ngọc bích. Mùa tắm biển ở đây từ tháng tư đến cuối tháng bảy với nhiệt độ trung bình là 25 độ C, rất lý tưởng cho những người yêu thích biển. Điểm thuận lợi nữa là Lăng Cô nằm cách khu vực trung tâm bán kính 150 km, là nơi hội tụ của bốn di sản thế giới cũng như thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở miền Trung, cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Động Phong Nha - Kẻ Bàng.





Đến Lăng Cô, khung cảnh làng chài thanh bình sẽ hiện ra trước mắt bạn, với những chiếc ghe, thuyền neo đậu trên bến dưới bờ hoặc lững lờ trôi trên đầm Lập An để câu cá, hóng cảnh "mênh mông sông nước, một màu thênh thang". Mỗi chiều, từng đàn cò trắng nhấp nhô bay về vùng đầm Lập An tìm chỗ ngủ. Vì thế, nơi đây ngày trước còn có tên là Làng Cò, sau này, có thể người Pháp đã đọc trại thành Lăng Cô. Trong những ngày hè oi bức, miền Trung cát trắng với gió Lào như "chảo lửa", nhưng ở Lăng Cô, nhiệt độ chỉ khoảng 25 độ C. Lăng Cô trước đây được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Hiện nay, ở thôn An Cư Đông còn giữ một bia đá khắc bài văn của vua Khải Định ca ngợi vẻ đẹp của Lăng Cô: "Thôn yên đảo vắng, nơi đây mây biếc ráng hồng, bãi hạc hầm cò. Đất từ núi thẳm, đảo cát giăng ngang, sông tiếp đại dương, dòng chảy quanh quất. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng. Nhìn xuống dưới nước thì gió xô sóng biển như muôn ngựa về chầu. Đắm nhìn hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở ra".



Ngoài biển, Lăng Cô còn có đầm Lập An mênh mông, rộng 800ha. Mặt hồ có nhiều chòi nhỏ của dân chài. Những chiếc thuyền mộc mạc điểm xuyết trên mặt nước mỗi khi chiều về. Khu vực Lăng Cô, đầm Lập An, đầm Cầu Hai được đánh giá là một trong những nơi đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á. Dân cư vùng biển và đầm phá này có khoảng 11.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ du lịch. Có thể nói, Lăng Cô hội đủ điều kiện để trở thành khu du lịch cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nhất tại Việt Nam. Với đặc thù đầm phá giữa nước lợ và nước mặn, có thể nói, các loài hải sản ở đây như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, cá thu, cá chim, sò huyết, hàu... có độ ngọt tuyệt vời mà không dễ "nơi mô” có được. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội thưởng thức hoặc mua làm quà các loại mắm tôm chua, mắm sò huyết để chấm với thịt heo luộc và rau sống, ngon đến "nhức chân răng".

Đến Lăng Cô, ngoài tắm biển, thăm thú, bạn còn có thể thưởng thức các món cháo tôm, mực, các loại cá tươi dọc theo QL1 ở thị trấn Lăng Cô. Vừa ăn vừa ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn trên đầm Lập An với làn nước trong xanh, xa xa là núi Bạch Mã chập chùng ẩn hiện trong màu lam sương khói.

Ngày 15/5, CLB Các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) đã công bố việc công nhận vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) vào danh sách 30 vịnh biển đẹp nhất hành tinh, nhân hội nghị quốc tế các vịnh đẹp nhất thế giới được tổ chức tại thành phố Sétubal, Bồ Đào Nha. Như vậy, Lăng Cô là vịnh thứ ba của Việt Nam trở thành thành viên của CLB, sau vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.

(ngồn: Phụ Nữ)

0 Nhận xét cho "Lăng Cô - vịnh biển đẹp nhất hành tinh"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))