Lũng Cú, cheo leo một cung đường đèo

Được đăng bởi Nghiêng
Dân du lịch bụi gọi Hà Giang là một điểm đến không bao giờ chán. Người đi ít thì 2-3 lần, đi nhiều thì không nhớ hết được, nhưng kì lạ, lần nào đến Hà Giang, những cảm xúc vẫn như lần đầu, vẫn thấy choáng ngợp, thấy rung động, níu kéo mạnh mẽ như lần đầu tiên.


Quãng đường khúc khuỷu dài hơn chục cây số từ thị trấn cao nguyên đá Đồng Văn đi Lũng Cú khiến không ít người thót tim.

Từ thị trấn cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, vượt quãng đường dài chừng 15 cây số là đến đất Lũng Cú. Đó là con đường khúc khuỷu, cua gấp liên tục, chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Càng đi, con đường càng trở nên kỳ diệu với khung cảnh thiên nhiên quá sức hùng vĩ. Trước mắt chỉ có núi và núi, núi xếp chồng lên nhau trùng điệp và kéo dài đến tận chân trời... Không khí cũng lạnh dần lên, sương mù chốc chốc lại rủ nhau " băng qua đường" che lấp tầm nhìn, những chiếc xe cứ như đang trôi bồng bềnh trong biển mây... Quãng đường dài hơn chục cây số ấy mà với ngay cả những "tay lái" bản địa cũng chạy xe ngót gần tiếng rưỡi đồng hồ.

Có truyền thuyết rằng ngày xưa có một con rồng thiêng đến ở trên ngọn núi thiêng thuộc vùng đất này, nên Lũng Cú cũng là cách đọc chệnh âm từ Long Cư (nơi rồng ở, hay động của rồng). Người dân địa phương rất tự hào xem truyền thuyết này là sự tích về vùng đất mà họ đang sinh sống. Núi rồng ở chính là núi Rồng ngày nay- nơi có cột cờ cực Bắc Tổ quốc. Đứng trên đỉnh núi Rồng, nhìn về hướng tây có hai vũng nước nằm trên đỉnh núi cao chót vót nhưng không bao giờ cạn. Hai vũng nước ấy không sâu nhưng quanh năm nước trong suốt, được người dân địa phương xem như hai cái giếng thiêng, dùng để chữa bệnh, cầu phúc. Sự tích kể rằng hai cái vũng nước này chính là hai Long nhãn, tức mắt của rồng.

Mỗi ngày đều có 5-7 đoàn leo lên núi Rồng chiêm ngưỡng vùng biên cương hùng vĩ của đất nước. Trên đỉnh đầu Rồng, một cột cờ Tổ quốc được dựng lên, trông xa như một ngọn tháp, có hình dáng cột cờ Hà Nội, cao gần 20 mét. Chân cột cờ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Do sức gió trên cao rất mạnh nên trung bình, mỗi tuần những người lính biên phòng ở đây phải thay cờ một lần, lâu nhất cũng chỉ 10 ngày. Lúc nào trong trạm biên phòng cũng có gần 10 lá cờ lớn 54m2 để dự phòng. Song mỗi lần hạ cờ bị hỏng để thượng cờ mới là một lần hết sức vất vả bởi phải chiến đấu với sức gió quần quật trên cao.


Đỉnh núi Rồng hùng vĩ nơi có cột cờ cực Bắc Tổ quốc.

Lưng chừng núi Rồng có hang Si Mần Khan rộng, đẹp, hấp dẫn, hàng triệu năm tạo sơn hay chính bàn tay nghệ nhân thời tiền sử tạo nên những đường nét mê hồn như chính Lũng Cú thu nhỏ và từng vân đá.

Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, xã Lũng Cú với những ngôi nhà trình tường (kiểu nhà đặc trưng của người H'Mông) giống như những bao diêm xếp lại, trông thật đẹp mắt. Vào thứ Bảy hàng tuần, đồng bào dân tộc nơi đây lại tổ chức một phiên chợ. Ngay từ tinh mơ, những chàng trai, cô gái người H'Mông, Lô Lô với trang phục rực rỡ, từ khắp các nẻo đường nô nức kéo nhau đến chợ. Chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá mà thực sự là một ngày hội. Họ đến chợ, có thể, chỉ để mua một món quà nhỏ, để gặp nhau ăn một bát thắng cố, uống một bát rượu ngô mới cất hay đơn giản là đến để vá một đôi giày, nghe tiếng khèn của chàng trai nào đó mà họ thầm yêu, trộm nhớ... Để rồi chếnh choáng trong lửa tình, ngất ngây trong men rượu để rồi lại thấp thỏm, mong ngóng phiên chợ sau...


Một góc Lũng Cú nhìn từ đỉnh núi Rồng.

Từ đỉnh đầu rồng đi xuống khoảng 30 mét còn có một ngôi nhà thuộc xã Sàphìn nằm ẩn mình trong một thung lũng nhỏ, đó chính là Dinh họ Vương- Vị vua Mèo nổi tiếng. Tuy quy mô không lớn nhưng Dinh Họ Vương là một điểm dừng chân khá lý thú hiện đã được nhà nước công nhận là công trình văn hóa có kiến trúc đẹp độc đáo của vùng cao nguyên này.

Đường đi lên nhà họ Vương được lát bằng những phiến đá vuông vức, Bên ngoài dinh họ Vương là khu mộ của dòng tộc. Những ngôi mộ được xếp bằng những viên đá tai mèo nằm im lìm dưới hàng thông, những bông hoa mùa xuân lặng lẽ nở trên đá như dấu tích vàng son của một thời còn sót lại qua những thăng trầm của thời gian....


Dinh Họ Vương là một điểm dừng chân khá lý thú của vùng cao nguyên đá.

Tòan bộ khu nhà được bảo vệ bởi hai vòng thành xây bằng đá hộc vững chãi với những lỗ châu mai tỏa ra xung quanh trông rất kiên cố. Dinh có ba ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý. Dấu vết vàng son vẫn còn in dấu trong từng căn phòng , từ bức hoành phi với 4 chữ " Biên chinh khả phong" do vua Nguyễn ban cho họ Vương đến những bức ảnh Gia đình họ Vương chụp với các vị lãnh đạo hiện tại của chính phủ Việt Nam đều được treo một cách trang trọng trong nhà. Hiện tại Nhà của vua mèo được một người cháu trông coi và luôn mở cửa đón khách du lịch.


Dân du lịch bụi gọi Hà Giang là một điểm đến không bao giờ chán.

* Thông tin cho bạn:

- Từ Hà Nội đi Hà Giang chỉ có xe ô tô, không có máy bay hay tàu hoả. Xe đi sớm, từ 4h sáng đến 6h sáng tại các bến: Mỹ Đình, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Lương Yên. Bắt xe từ Hà Nội - Hà Giang: 70.000 đồng. Ngủ qua đêm tại Thị xã Hà Giang. - Sáng hôm sau, bắt xe từ Hà Giang lên Đồng Văn: 50.000 đồng; từ Đồng Văn đi xe ôm lên Lũng Cú: 30.000-40.000 đồng - Lưu ý, bạn nên mang theo áo rét vì thời tiết trên Đồng Văn rất lạnh.

Nguồn : yeudulich.vn

0 Nhận xét cho "Lũng Cú, cheo leo một cung đường đèo"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))