" ..."Hội An - Chiếc lược cổ bằng gỗ đặt trong hộp thuỷ tinh" ...đó là hình ảnh đầu tiên hiện tới khi tôi đi tìm một cái gì đó giản dị mà nói hết được những cảm xúc của tôi về mảnh đất này, một mảnh đất cũ mà mới, có gió mát, nhưng hồn đất vẫn chẳng bị phai màu." - Nghieng xin được trích một đoạn trong một entry của một bạn trẻ để làm phần giới thiệu của bài viết này.

"Nhắc đến Hội An là nhắc đến những con phố hẹp cuốn vào nhau chằng chịt bàn cờ, với những căn nhà thấp nhỏ, mái cong veo, nằm san sát, hơi kèn cựa nhau với những gian hàng bán đèn lồng xanh đỏ"



Phố cổ Hội An



Chùa Cầu là một địa điểm nên đến đầu tiên ở Hội An.

Chùa Cầu

Cầu Chùa là chiếc cầu trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều.
  • Lịch sử
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản, tuy kiến trúc đậm nét Việt Nam. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”.

Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986.
  • Kiến trúc
Chiếc cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.

Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.

Có câu thơ về Chùa Cầu - Hội An:

Ai đi Phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.

Hình Cầu Chùa có trên tờ bạc 20.000 nghìn đồng bằng polyme của Việt Nam.

Vài hình ảnh về Chùa Cầu :



Chùa Cầu - Ảnh VIT - phuot.com forum



Chùa Cầu - Ảnh VIT - phuot.com forum



Chùa Cầu - Ảnh TAW - phuot.com forum


Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng: 04 - Nguyễn Thị Minh Khai - TP. Hội An




Nhà cổ Phùng Hưng: 04 Nguyễn Thị Minh Khai - TP. Hội An

Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Nó đã được xây dựng trên hai trăm năm qua và nó là một mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc kiểu này ở Hội An. Năm 1985, ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao.

Nó được coi là kiểu mẫu bởi vì nó giữ được nguyên vẹn những yếu tố kiến trúc xưa nhờ vào chất lượng tuyệt vời của vật liệu và sự chăm sóc của cả đại gia đình.



Nhà cổ Phùng Hưng là kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc: Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Hệ thống ban công và cửa chớp là của người Trung Hoa, mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc của Nhật (giống mái của chùa Cầu). Còn lại là hệ thống sườn gỗ, hệ thống xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là kiến trúc Việt Nam. Nhà này rộng và cao nhất ở trong vùng. Với hệ thống 80 cột gỗ lim tất cả được đặt trên chân đá để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột và mặt đất. Khu vực này gần sông nên mỗi năm thường xảy ra lụt lội, nước lên tới 0.5m.



Nhà cổ Phùng Hưng (bên trong)


Nhà cổ Tấn Ký

Vị trí: Tại 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây, ngôi nhà cổ Tấn Ký tại trung tâm thành phố Hội An (Quảng Nam) mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ðặc điểm: Nhà cổ Tấn Ký không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An mà là ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An, được xây dựng cách đây gần 200 năm.

Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa – Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hoá” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.



Bên trong nhà cổ Tấn Ký



Gian thờ uy nghi và cổ kính



Cầu thang cổ lên gác xép



Lối vào nhà cổ sâu hun hút



Biển hiệu, giờ tham quan nhà cổ phải được tuân thủ



Nhà cổ Tấn Ký nhìn từ bên ngoài

Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên

Ngôi nhà này được xây dựng vào cuối TK XIX . Tổ tiên của chủ nhà này là một thương nhân người Hoa. Đặc biệt, bên trong ngôi nhà bài trí rất nhiều cổ vật Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có nhiều niên đại khác nhau. Nhà kết cấu có ô thông sàn lên tầng hai, kiểu ô thông sàn này là đặc trưng của các nhà cổ ở Hội An, từng được sử dụng để làm nơi vận chuyển hàng hoá, đồ vật thông qua hệ thống ròng rọc dây kéo bằng tay.

Theo gia phả hiện đang lưu giữ tại nhà Diệp Đồng Nguyên, ông Diệp Ngộ Xuân là người họ Diệp đầu tiên từ Gia Ứng- Quảng Đông (Trung Hoa) sang Hội An vào thời Thanh Hàm Phong (1856). Với nghề thuốc bắc cha truyền con nối, ông tổ đã lập nên cơ ngơi đầu tiên cho dòng họ ở đường Trần Phú (Hội An- Quảng Nam) với tiệm thuốc bắc mang tên Diệp Đồng Xuân.



Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - Số 80 Nguyễn Thái Học



Nội thất bên trong nhà cổ Diệp Đồng Nguyên.

Hội Quán Phước Kiến – Hội An

Tọa lạc ở số 45 đường Trần Phú – Hội An, Hội quán Phước Kiến do nhóm người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759.

Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.

Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.




Cổng vào chùa Phước Kiến



Mặt trước hội quán



Mái đình hội quán Phước Kiến



Hội quán Phước Kiến (bên trong)



Gian thờ uy nghi.

Làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) nằm ven sông Thu Bồn, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng tây, đã hình thành và tồn tại hơn 500 năm qua.

Đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn duy trì nghề truyền thống của làng, sản phẩm gốm không chỉ bán ở Hội An mà còn đi xa hơn qua sự “tiếp thị” của du khách nước ngoài mỗi lần ghé qua đây.

Mới đây, Hội An đã mở tour cho du khách đến thăm làng gốm Thanh Hà. Đến thăm làng, ngoài việc thỏa sức lựa chọn sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề.

Một số hình ảnh về làng gốm:



Nghệ nhân làm gốm Thanh Hà



nhiều mẫu mã đẹp ...



Đèn trang trí làm từ gốm thanh hà, sản phẩm mang phong cách hiện đại

Tổng hợp từ phuot.com forum
Bài sưu tầm đã được rút gọn đi.Bạn có thể xem tiếp tại đây

0 Nhận xét cho "[Quảng Nam] Thông tin du lịch Hội An (phần 1)"

Đăng nhận xét

* Chia sẻ chuyến đi, hình ảnh du lịch của bạn tại email: contactnghiengvietnam@gmail.com

* Welcome to Vietnam. To comment you can select Name/URL or Anonymous.

* Để đăng nhận xét bạn có thể chọn "Ẩn danh" (Anonymous) hoặc bạn cũng có thể thay bằng Tên (Name) hay URL (blog).

Chúc bạn có những chuyến đi thú vị.

[▼/▲] More Emoticons
:)) ;)) ;;) :D ;) :p :(( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| 8-} :)] ~x( :-t b-( :-L x( =))